Tại thị trường Việt Nam Bánh_mì_Việt_Nam

Các loại bánh mì

Tùy vào thành phần được kẹp bên trong mà bánh mì có những tên gọi khác nhau. Tương tự như loại bánh cùng tên của phương Tây, người ta cũng sử dụng nhiều loại nhân bánh mì phổ biến khác nhau. Ví dụ, một cửa hàng bánh mì điển hình ở Hoa Kỳ cung cấp ít nhất 10 loại nhân.[49]

  • Bánh mì thịt: là loại bánh mì phổ biến nhất ở Sài Gòn, người bán bánh mì xẻ dọc ổ bánh mì và nhét thịt, chả, bơ, pa tê, giò thủ, thịt nguội, một ít hành ngò, rau, đồ chua và ớt.[50][51][52]
  • Bánh mì xíu hay mì xíu là loại bánh mì nhân thịt xíu (thịt heo rim mặn ngọt với xì dầu, gần giống với xá xíu), bỏ thêm chút rau răm và chan ớt chưng hoặc nước xíu (nước thịt).[53]
  • Bánh mì xíu mại: là loại bánh mì có nhân thịt xíu mại (thịt heo với sốt cà). Bánh mì xíu mại Sài Gòn thường có vị ngọt khác với loại bánh ở Đà Lạt, có vị cay. Tại Đà Lạt, bánh có lớp vỏ dày hơn một chút. Người ta sẽ dọn kèm một chén xíu mại còn bốc khói, nước xốt sền sệt phủ lên những viên xíu mại và chả cây, da heo.[5]
    • Bánh mì xíu mại trứng muối: loại bánh mì xíu mại bổ sung thêm vài viên xíu mại trứng muối, làm chiếc bánh trông có vẻ dày dặn hơn. Ngoài ra, bánh còn có các phần nhân khác như mỡ hành, thịt nướng, tóp mỡ...[54][55]
    • Bánh mì xíu mại khô: là loại bánh mì có xíu mại được bọc trong lớp vỏ hoành thánh rồi hấp trong xửng tre. Ngoài ra, loại này không cần ăn kèm đồ chua, rau, dưa chuột... mà chỉ phết chút tương ớt hoặc nước tương.[54]
  • Bánh mì bì: là loại bánh mì kẹp thịt hoặc da heo cắt sợi nhỏ. Để tăng thêm độ hấp dẫn của món bì, người bán sẽ chan thêm nước mắm vào bánh mì sao cho đậm đà, vừa vị.[13] Cách ăn của món này tương tự như cơm tấm: người bán rạch đôi ổ bánh, quết mỡ hành dọc thân, cho bì, đồ chua, dưa leo, ngò, rồi chan muỗng nước mắm có độ sệt, vị chua ngọt như dùng trong cơm tấm.[56]
  • Bánh mì bò kho: tức bánh mì không chấm và ăn kèm với bò kho.[57]
  • Bánh mì bột lọc: có phần nhân là bánh bột lọc (làm từ tôm, thịt và gia vị bao lại bởi bột rồi hấp chín), cho thêm một ít ớt trái xắt sợi, ít rau rồi rưới ít nước chấm và thưởng thức.[58][59] Bánh mì mà người ta sử dụng thường là loại dài, nhiều ruột.[60]
  • Bánh mì bò né: tức bánh mì ăn kèm với bò né – món ăn có nhiều thành phần gồm thịt bò thái lát, khoai tây, pa tê, trứng ốp la và salad.[61] Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì khi phục vụ, thực khách phải né ra để khỏi dính dầu từ món ăn.[60]
  • Bánh mì cá mòi: là loại bánh mì ăn kèm với cá mòi, thường cá mòi là loại cá hộp sốt cà.[62]
  • Bánh mì cá ngừ: loại bánh có phần nhân cá ngừ, được rưới loại nước sốt không còn vị tanh của cá.[42]
  • Bánh mì chả cá: là loại bánh mì kẹp chả cá chiên, món này ngày càng phổ biến ở Sài Gòn,[63] còn ở Nha Trang thì bánh rất mỏng và không sử dụng bơ.[64] Chả cá tươi được nặn hình thuôn dài, chiên phồng vàng trong chảo dầu sôi, sau đó kẹp vào bánh mì giòn rồi thêm đồ chua, dưa leo, ngò hoặc rau răm, tùy khẩu vị mà cho tương ớt, nước tương hoặc muối tiêu vào trong ổ bánh.[65]
  • Bánh mì chảo: gồm bánh mì không nhân giòn rụm, khi ăn sẽ được dọn lên cùng với một chảo hoặc khay gang có đầy đủ pate, bít tết, trứng ốp la, v.v...[63][64][66]
  • Bánh mì cóc: là loại bánh mì có hình dáng giống như con cóc và bề ngoài khá tương đồng vói bánh hamburger, bề dài khoảng 1 gang tay, dài khoảng 60% so với bánh mì thường. Kẹp thịtpa tê như bánh mì thịt, hiện tại chỉ thấy bán ở tiệm bánh Đức Phát và Bánh mì Cóc Cô Bích.[67]
  • Bánh mì đậu hũ: là loại bánh dành cho người ăn chay.[6]
  • Bánh mì hến: là loại bánh mì có nhân hến xào với hành, tỏi, dầu hào, sốt me, ớt. Đặc biệt, người ta sẽ dùng bơ (thay vì dầu) để xào món hến.[54]
  • Bánh mì kẹp kem: là món bánh mì kẹp kem ký và đậu phộng giã nhỏ. Người chế biến được rạch giữa bánh rồi múc những muỗng kem dừa, vani, khoai môn (tùy theo lựa chọn của người ăn) rồi sau đó rắc đậu phộng lên.[68]
  • Bánh mì khô bò đen: là loại bánh mì có nhân khô bò đen (làm từ lá lách, gan bò tẩm ướp cẩn thận), nước sốt, đậu phộng và rau răm.[54][69]
  • Bánh mì ốp la: là loại bánh mì kẹp trứng gà ốp la. Trứng được chiên trên những chiếc chảo gang nhỏ sao cho sắc nét lớp viền, nửa sống nửa chín lòng đỏ, ăn kèm dưa chua, nước tương, tương ớt... Do có cách chế biến đơn giản, nhanh gọn nên biến thể này có mặt ở hầu hết các tiệm bán bánh mì.[13]
  • Bánh mì phá lấu: là món bánh mì có nhân phá lấu, gồm bao tử, phèo, tai, mũi heo được tẩm ướp gia vị kỹ càng,[54] kèm với đó là dưa leo và đầu hành lá cay nồng, rưới một loại nước sốt đặc biệt làm từ nước phá lấu, tương ớt cay.[70]
  • Bánh mì phô mai: là loại bánh mì có chứa phô mai tan chảy.[71]
  • Bánh mì que: thứ bánh này có kích cỡ hình que, có thể có vị thịt, rau phối hợp lại, có vị ngon khi ăn với xốt (nếu có). Do luôn được nướng nóng nên vỏ bánh giòn rụm khi ăn.[5] Bánh mì que có nguồn gốc từ thành phố Hải Phòng.[72]
Bánh mì thanh long năm 2020
  • Bánh mì thanh long: là loại bánh mì làm từ trái thanh long, được tạo ra nhằm "cứu vớt" nông sản xuất khẩu trong thời kỳ dịch bệnh. Bột bánh được nhào trộn cùng ruột thanh long đỏ nghiền nhuyễn, sau đó tạo hình và nướng như thông thường.[73] Theo đó, thanh long xay nhuyễn sẽ thay thế được 60% lượng nước làm bánh. Bánh có vỏ và ruột hồng, lấm tấm hạt đen, ăn có vị thơm nhẹ,[73] mùi và vị đều rất thanh.[74] Sau khi bỏ vỏ, nghiền nát và đông lạnh, loại quả này có thể dự trữ để làm bánh mì.[54][75] Ngoài ra, món này còn có ba hương vị là bánh mì thanh long, thanh long bơ và thanh long nhân khoai môn.[73]
  • Bánh mì cá sấu: bánh mang hình dạng cá sấu, với cân nặng gần 2 kg, dài từ 60–70 cm, là ý tưởng của một lò bánh mì ở Long Xuyên, An Giang. Thợ làm bánh vẫn dùng bột mì như công thức truyền thống, sau đó dùng tay tạo hình rồi dùng dao, kéo đắp thêm các chi tiết như vảy, mắt, mũi. Bánh nướng chín, ra khỏi lò được rắc thêm mè, quét một lớp bơ sầu riêng.[73][76]
  • Bánh mì sốt cá nục: bánh mì ăn kèm với cá nục được nấu rục xương. Theo đó, người bán chọn cá nục con tươi, làm sạch rồi hầm nhiều giờ với nước dừa, nêm nếm theo công thức riêng. Sau đó, họ sẽ để cá chín nồi than giữ ấm, không bị tanh. Khi khách gọi món, người bán mới mới lấy cá, tán thịt đều khắp ổ bánh, cho thêm dưa chua, dưa leo, nước sốt cá và nước mắm ớt cay.[65]
  • Bánh mì than: đúng như tên gọi, món ăn này có màu đen xì như than, với ý tưởng bắt nguồn từ những chiếc bánh mì lót dạ của công nhân mỏ than. Vỏ bánh được tạo màu từ bầu mực của con mực và tinh than tre, còn chả thì làm từ mực mai giã tay, chiên nóng, cắt thành từng miếng nhỏ rồi rưới nước sốt rau củ.[73] Nước sốt của bánh có vị chua, làm từ các loại rau củ như hành tây, cà chua, cà rốt, kinh giới... cùng đầu tôm ninh trong một tiếng rồi đem đi xay nhuyễn.[77]
  • Bánh mì tóp mỡ: chứa các phần nhân đặc trưng như pa tê, thịt, xúc xích, dưa chuột nhưng lại bổ sung thêm tóp mỡ. Bản thân tóp mỡ đã được rút hết mỡ nên chỉ còn lại phần bì chứa nhiều collagen nên ăn sẽ không bị ngấy.[54]
  • Bánh mì trứng: là loại bánh mì có nhân gồm một hoặc hai quả trứng gà đánh tan với lá hành xanh, lật thật nhanh trên chảo, khi vừa chín tới thì bỏ nhanh vào chiếc bánh, nướng qua một xíu cho giòn vỏ rồi lấy ra quệt đẫm tương ớt.[42]
  • Bánh mì yêu nước hoặc bánh mì tổ quốc: có hình quốc kỳ Việt Nam, gồm một chiếc bánh màu đỏ có đính thêm ngôi sao vàng. Màu đỏ của vỏ được làm từ nước củ dền, trong khi ngôi sao vàng thì được tạo màu bằng bột nghệ. Loại bánh này có nhiều loại nhân khác nhau cho khách lựa chọn, như bò gừng phân phối, pate truyền thống, gà đổi mới, tóp mỡ bao cấp, trứng chiên lướt hành.[78]
  • Bánh mì nướng muối ớt: món ăn này bắt nguồn từ người Khmer khi họ chế biến bánh mì bằng cách quét muối ớt lên ổ bánh rồi nướng trên bếp than. Sau này, bánh mì nướng muối ớt được biến tấu khác đi, tùy theo người bán và khẩu vị của thực khách ở từng khu vực. Bánh mì giòn đặc ruột được nướng vàng, thơm. Đầu tiên, người bán sẽ quết mỡ, sau đó thêm phần nước sốt được pha chế đặc biệt. Những miếng bánh mì có vị mặn của muối ớt được nướng trên than hồng, ăn kèm với phô mai, chà bông, ruốc tép, mỡ hành, mayonnaise, xúc xích cùng pa tê.[79][80]
  • Bánh mì bóng đêm: được làm từ tinh than tre trộn cùng vào với bánh như một thành phần nguyên liệu, nhằm tạo nên màu đen đặc trưng cho món ăn.[81] Trong đó, phần nhân bánh vẫn dùng các loại thức ăn thường có trong bánh mì truyền thống như xíu mại, heo quay, gà xé, chả lụa, thịt nguội, rau, nước sốt...[82]

Một số tiệm bánh tiêu biểu

Bánh mì Phượng
  • Bánh mì Hòa Mã: đây là tiệm bánh định hình món bánh mì Việt Nam của ông Hòa và bà Tịnh, xuất hiện năm 1958 tại số 511 Phan Đình Phùng, sau đó dời lại Nguyễn Đình Chiểu thuộc Quận 3.[9] Khi ấy, tiệm bánh ra đời với món bánh khác lạ: mang bánh mì kiểu Pháp kẹp với pate, thịt, chà bông, dưa chua…[83] Giờ đây, dù ông Hòa đã mất và bà Tịnh đã ngoài 80, nhưng cửa hàng vẫn được duy trì bởi con cháu.[27][84]
  • Bánh mì Như Lan: nổi tiếng ở Sài Gòn từ trước 1975, là bánh mì tiêu biểu của Sài Gòn với hương vị rất đặc trưng. Như Lan cũng có chi nhánh tại Mỹ.[6]
  • Bánh mì Đức Phát: có thực đơn rất đa dạng và phong phú, với 24 chi nhánh ở khắp Sài Gòn và Cần Thơ, Vĩnh Long.[85]
  • Bánh mì Phượng: đây là tiệm bánh rất nổi tiếng, tọa lạc trên đường Phan Châu Trinh ở phố cổ Hội An với thực đơn rất đa dạng, trong đó có hàng chục loại nhân bánh mì khác nhau như: phô mai, thịt xông khói, chả thịt, xúc xích...[86][87] Đầu bếp Anthony Bourdain khi đi đến Việt Nam trong chuyến thăm của tổng thống Barack Obama đã gọi bánh mì Phượng là bánh mì ngon nhất thế giới.[88][89] Hiện tiệm bánh cũng đã nhượng quyền thương hiệu sang Hàn Quốc ở khu Yeonnam-dong thuộc quận Mapo-gu, Seoul.[90]
  • Bánh mì Madam Khánh: đối trọng của tiệm Bánh mì Phượng ở Hội An, do bà Nguyễn Thị Lộc mở vào năm 1975.[91] Phần nhân bánh của quán rất phong phú, bao gồm thịt quay, thịt nướng, trứng chiên, dưa góp, patê... Ngoài ra, tiệm bánh còn được nhiều du khách nước ngoài đặt tên là "The Banhmi Queen" (Nữ hoàng bánh mì).[92]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bánh_mì_Việt_Nam http://www.balesandwich.com/our-story http://www.nydailynews.com/archives/lifestyle/east... http://www.oxforddictionaries.com/definition/banh+... http://www.sandiegouniontribune.com/business/touri... http://www.vietworldkitchen.com/blog/recipes-banh-... http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/artic... http://online.wsj.com/article/SB100014240527487035... http://citypaper.net/articles/2006-07-20/food6.sht... http://www.wqed.org/tv/natl/sandwiches/index.shtml http://wwno.org/post/vietnamese-po-boy